Vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả bảo vệ trong bao lâu?
Ngày 4/9, VOV đưa tin, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet cho thấy tiêm 2 liều vắc-xin COVID-19 sẽ làm giảm gần một nửa nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài nếu bạn bị nhiễm.
Theo Giáo sư Tim Spector từ Đại học King’s College London, tiêm chủng làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài theo hai cách: Trước tiên bằng cách giảm nguy cơ mắc bất kỳ triệu chứng nào từ 8 – 10 lần và sau đó giảm một nửa nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến mắc COVID-19 kéo dài. Thời gian của các triệu chứng cũng nhẹ hơn nhiều ở những người được tiêm chủng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London đã sử dụng dữ liệu từ ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng ZOE COVID của Vương quốc Anh từ ngày 8/12/2020 đến ngày 4/7/2021.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ phải nhập viện do COVID-19 giảm 73% và mắc các triệu chứng cấp tính giảm 31%.
Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng cao hơn ở những người sống ở hầu hết các khu vực kém phát triển và những người có bệnh nền hoặc người già yếu. Do đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần phải nhắm vào các nhóm có nguy cơ cao để từ đó đề xuất các chiến lược như chương trình tiêm liều tăng cường kịp thời và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Tờ Science Daily dẫn lời Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Claire Steves từ Đại học King’s College London: “Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 và giảm phát triển các triệu chứng lâu dài nếu bạn mắc bệnh. Tuy nhiên, trong số những người già yếu và những người sống ở các khu vực kém phát triển, nguy cơ vẫn còn đáng kể và họ cần được ưu tiên gấp để tiêm vắc-xin liều thứ 2 và tiêm mũi tăng cường”.
Nói về việc sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả bảo vệ trong bao lâu, có kéo dài suốt đời hay không. Ngày 2/9, Dân trí có bài viết, theo Báo cáo mới đây về tình hình dịch COVID-19 của Bộ Y tế có nêu thông tin không chính thức về tính hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn lây nhiễm bệnh.
Theo đó, một nghiên cứu tại Anh dựa vào dữ liệu của hơn 1,2 triệu kết quả xét nghiệm cho thấy tính hiệu quả của vắc-xin Pfizer trong việc ngăn lây nhiễm bệnh sẽ giảm từ 88% xuống còn 74% ở thời điểm 5-6 tháng sau khi được tiêm đủ hai mũi. Với vắc xin AstraZeneca, con số này sẽ giảm từ mức 77% xuống 67% ở thời điểm 4-5 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia dịch tễ tại Đại học Boston (Mỹ), đã có những bằng chứng về sự suy giảm khả năng miễn dịch sau khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng của vắc-xin mRNA (do Pfizer và Moderna sản xuất). Dù vậy, nó vẫn được cho là vẫn bảo vệ tốt khỏi khả năng bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Theo WHO, các vắc-xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do COVID-19 gây ra. Với biến thể Delta, các dữ liệu cho thấy vắc-xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.
TS Katherine O’Brien, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết các loại vắc-xin COVID-19 hiện nay chủ yếu là vắc-xin 2 liều. Trong vòng khoảng 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, cơ thể bắt đầu có phản ứng miễn dịch tốt. Và liều thứ hai sau đó góp phần tăng cường miễn dịch.
“Chúng tôi vẫn chưa biết khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu từ các loại vắc-xin mà chúng tôi có trong tay ngay bây giờ. Chúng tôi đang theo dõi những người đã tiêm phòng để tìm hiểu xem liệu phản ứng miễn dịch của họ có bền theo thời gian hay không và khoảng thời gian mà họ được bảo vệ chống lại bệnh tật. Vì vậy, chúng tôi thực sự sẽ phải đợi thời gian trôi qua để xem những loại vắc-xin này tồn tại trong bao lâu”, chuyên gia WHO nói.
Theo CDC Mỹ, vắc-xin có hiệu quả song không có vắc-xin nào ngăn ngừa bệnh tật 100%. Thường mất khoảng 2 tuần để cơ thể xây dựng sự bảo vệ sau khi tiêm phòng, vì vậy một người có thể mắc bệnh nếu vắc-xin chưa có đủ thời gian để bảo vệ.
Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ những người được tiêm phòng đầy đủ vẫn bị nhiễm nếu họ tiếp xúc với virus gây bệnh, thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ hơn. Có một số bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng có thể làm cho bệnh bớt trầm trọng hơn ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn bị bệnh.
Quốc Tiệp (t/h)