Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ tạo ra kháng thể như thế nào?
Ngày 13/8, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tại đây, GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vắc-xin là một trong những phát minh vĩ đại của y học nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh.
Sau khi được tiêm vào trong cơ thể, vắc-xin sẽ tạo ra kháng thể để trung hòa tác động của virus. Kháng thể này bắt đầu xuất hiện ở tuần lễ thứ 2 sau khi tiêm.
Sau 4 tuần của tiêm mũi đầu tiên, tùy vào loại vắc-xin mà cơ thể sẽ đạt được mức độ kháng thể trung hòa có sự khác nhau.
“Kháng thể này giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào trong cơ thể, nên người đó không bị bệnh. Tuy nhiên, không có vắc-xin nào ngăn chặn 100% hay sau khi tiêm xong không bị bệnh”, bác sĩ Châu khẳng định.
Nhiều người nghĩ rằng, nếu được tiêm 2 liều vắc-xin đầy đủ sẽ giúp họ không bị nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, dù có tiêm đủ 2 liều vắc-xin thì mức độ bảo vệ không phải hoàn toàn.
Riêng đối với virus SARS-CoV-2, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, các vắc-xin hiện nay có ngăn chặn một phần không bị bệnh, tuy nhiên cũng có trường hợp vẫn mắc bệnh.
Trường hợp đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà bị nhiễm bệnh thì kháng thể trung hòa này sẽ ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào, cơ quan trong cơ thể. Và từ đó giảm đi quá trình gây tổn thương cơ thể và gây bệnh lý Covid-19.
Nếu người đã được tiêm vắc-xin có hiệu quả, có kháng thể trung hòa trong cơ thể, đa phần khi có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 sẽ không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, rất ít biến chứng nặng hay tử vong
Vào giữa tháng 6/2021, một nhóm nhân viên hậu cần, khu vực hành chính bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh gồm 69 người bị nhiễm Covid-19, nguồn lây được xác định từ gia đình.
Nhóm nhân viên này đã được chích 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Trong 69 trường hợp này, có phân nửa hoàn toàn không có triệu chứng gì và tiếp tục cách ly điều trị, vừa làm việc từ xa.
Nhóm còn lại có triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác khứu giác. Có 1 trường hợp duy nhất cần thở oxy và sau thời gian ngắn đã tự hồi phục. Không có trường hợp nào nặng cần phải thở máy cao cấp hay tử vong.
Như vậy, bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, thực hiện 5K thì việc bao phủ được tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có hiệu quả và chất lượng sẽ giúp giảm số ca mắc mới, giảm số ca bệnh nặng và từ đó giảm số ca tử vong.
Người đứng đầu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh nhận định, biến chủng Delta của dịch Covid-19 rất đáng lo ngại vì có tốc độ lây lan nhanh.
Trong khi các công trình nghiên cứu trên thế giới cho biết, các vắc-xin hiện nay kém hiệu quả với biến chủng này, ngay cả loại Moderna của Mỹ.
Do đó, người dân sau khi tiêm vắc-xin vẫn phải thực hiện nghiêm quy định 5K của bộ Y tế để tránh trường hợp bản thân nhiễm bệnh, không có triệu chứng nhưng lại lây lan cho những người khác.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, qua thống kê, có khoảng 900 nhân viên y tế tại thành phố này bị nhiễm dịch Covid-19 trong lúc công tác.
“Các đoàn công tác của ngành y tế và địa phương đã thăm hỏi, động viên và giải quyết chính sách thỏa đáng cho các trường hợp này”, ông Nam cho hay.
Đồng thời, sau khi UBND Tp. Hồ Chí Minh có sự vận động, nhiều bệnh viện tư nhân như Xuyên Á, Nam Sài Gòn, Triều An, Hoàn Mỹ Sài Gòn,…đã tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Sự đóng góp của đội ngũ này là quý giá, vì các bệnh nhân đều thuộc tầng 3, tầng 4 hay thậm chí là tầng 5. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ dựa vào năng lực của từng bệnh viện để có bố trí phù hợp.