Những bộ phận trên cơ thể càng làm sạch kỹ càng dễ sinh bệnh
Hàng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn vì thế tắm rửa là một hoạt động không thể thiếu. Bên cạnh tác dụng làm sạch cơ thể, tắm rửa còn giúp nâng cao hệ miễn dịch, ổn định các hoạt động chức năng. Sạch sẽ là cần thiết nhưng một số bộ phận dưới đây thực sự không cần vệ sinh quá thường xuyên bằng không sẽ phản tác dụng.
Tai
Ngoáy tai là thói quen của không ít người, hễ ngứa tai là ngoáy, tắm xong cũng ngoáy, thỉnh thoảng lại ngoáy tai với lý do để cho tai sạch nhưng thực tế thói quen này có thể khiến tai bị tổn thương.
Nhiều người vẫn cho rằng ráy tai là thứ cần loại bỏ nhưng sự thật nó là chất bôi trơn để ống tai ngăn ngừa vi khuẩn, côn trùng xâm nhập từ bên ngoài. Nếu vệ sinh tai quá kỹ đồng nghĩa với việc đánh mất một lớp bảo vệ tai, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào ống tai hơn.
Bên cạnh đó, việc dùng bông ngoáy tai có thể khiến ráy tai bị đẩy sâu vào bên trong, gây ảnh hưởng đến thính giác, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng tai. Hơn nữa khi chúng ta nói, ăn hoặc nhai, ngáp cùng với sự di chuyển của khớp hàm và vị trí cơ thể, một phần ráy tai sẽ tự động bị đẩy ra ngoài lỗ tai. Do đó việc thường xuyên ngoáy tai là không cần thiết. Thay vào đó chúng ta chỉ cần dùng khăn lau vành tai và lỗ tai, không cho bất cứ vật gì (bông tăm, móc tai kim loại,..) vào sâu trong tai.
Nếu ráy tai quá cứng hoặc nằm sâu bên trong hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng vì họ là những người có kỹ năng, sẽ giúp chúng ta xử lý ráy tai một cách khoa học. Ngoài ra có thể tự vệ sinh ống tai bằng cách sử dụng vài giọt ô xy già, ô xy già sẽ sủi bọt, đẩy ráy tai ra ngoài, chúng ta chỉ việc dùng khăn lau sạch lỗ tai. Lưu ý việc này cũng chỉ nên thực hiện tối đa 2 lần trong tháng.
Mũi
Khi chất lượng không khí không tốt, mũi dễ bị ngứa, nhiều người chịu không nổi sẽ thường xuyên ngoáy mũi, và cho rằng điều này giúp làm sạch mũi. Tuy nhiên thói quen này rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi. Đặc biệt dưới niêm mạc là mạng lưới mao mạch phong phú, nếu mức độ tổn thương sâu sẽ gây ra tình trạng chảy máu cam.
Thêm nữa khoang mũi cũng có khả năng tự làm sạch, nên không nhất thiết phải vệ sinh quá nhiều. Nếu muốn bạn có thể sử dụng dung dịch muối để làm lỏng chất nhầy, giảm chảy nước mũi xuống họng và sạch vi khuẩn trong mũi. Việc này cũng giúp rửa trôi các chất gây dị ứng mà bạn đã hít phải. Lưu ý chỉ rửa mũi 3 lần 1 tuần là đủ.
Rốn
Theo nghiên cứu trong rốn có khoảng 1.400 loại vi khuẩn nhưng hầu hết chúng vô hại và giúp duy trì nhiệt độ rốn bình thường. Nếu vệ sinh rốn quá sạch, chức năng tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra nếu dùng lực quá mạnh để vệ sinh rốn có thể làm tổn thương vùng da mỏng manh của rốn, dễ gây viêm nhiễm, vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu quan trọng trong khoang bụng. Cách vệ sinh đúng là nhúng tăm bông vào cồn rồi xoa nhẹ nhàng bên trong rốn. Lau đến khi sạch chất bẩn thì dùng một miếng bông để thấm đi phần cồn đọng lại bên trong.
Da mặt
Nhiều người, nhất là chị em phụ nữ thường rửa mặt rất kỹ và nhiều lần trong ngày vì nghĩ việc này giúp làn da thông thoáng nhưng thực chất nó không hề được khuyến khích. Chính việc rửa mặt quá kỹ sẽ làm tuyến bã nhờn trên da bị phá vỡ, từ đó mất đi lớp dầu bảo vệ da, khiến da bị tổn thương, yếu đi và dễ ảnh hưởng bởi các tác động xấu của ngoại cảnh.
Chính vì vậy bạn nên chọn sữa rửa mặt phù hợp với từng loại da và chỉ nên rửa 1-2 ngày một lần. Đồng thời có thể kết hợp tẩy tế bào chết 1-2 lần một tháng nhưng không chà xát quá nhiều các vùng da mỏng, nhạy cảm vì có thể làm da mất độ ẩm tự nhiên, dễ bị kích ứng,…
Âm đạo
Nhiều người có thói quen rửa vùng kín liên tục vì cho rằng như thế là sạch. Tuy nhiên, chính việc vệ sinh quá thường xuyên cùng với sử dụng dung dịch sát khuẩn khiến cho niêm mạc âm đạo bị khô. Bộ phận sinh dục vốn rất nhạy cảm và có thể tự cân bằng vi khuẩn, nếu rửa liên tục bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm. Do đó bạn chỉ cần dùng nước sạch và vệ sinh nhẹ nhàng 2 lần/ngày hoặc sau mỗi lần đi vệ sinh. Tuyệt đối không được chà xát mạnh hay thụt rửa âm đạo.
Răng
Men răng có nhiệm vụ bảo vệ răng khỏi sự bào mòn, nhiệt độ cao và hóa chất, nếu đánh răng quá mạnh, quá lâu, và nhiều lần trong ngày sẽ khiến men răng bị tổn thương. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến răng yếu và nhạy cảm hơn. Bình thường chỉ cần đánh răng nhẹ nhàng 2 lần/ngày, mỗi lần 2-3 phút là đủ.
Minh Hoa (t/h)