Huyện Cư M’gar: Nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
Huyện Cư M’gar đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19. Chính quyền nơi đây đang nỗ lực để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Không để người dân vùng phong tỏa thiếu thực phẩm
Theo UBND huyện Cư M’gar, huyện đang triển khai các biện pháp cung ứng đủ hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, kịp thời hỗ trợ, tiếp tế, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thiết yếu ở mức độ tối thiểu cho người dân ở khu vực bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh. Đồng thời, các tổ chức xã hội ở địa phương như: Mặt trận, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện cơ sở… tăng cường vận động, huy động các nguồn lực và tiếp cận các địa bàn, nắm bắt nhu cầu để vận chuyển hàng hóa đến với người dân trong thời gian thực hiện phong tỏa.
Xã Quảng Tiến có thôn Tiến Thịnh nằm trong khu vực phong tỏa, với 375 hộ và 1.272 khẩu. Những ngày qua, việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân khu vực phong tỏa được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tổ COVID cộng đồng trên địa bàn đã hỗ trợ đi chợ giúp dân, kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm khi dân cần. Các đơn vị, đoàn thể ở địa phương cũng tập trung tiếp tế, tặng nhiều phần quà, nhu yếu phẩm, rau xanh cho các hộ dân ở khu vực phong tỏa.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho hay, trên địa bàn xã Quảng Tiến không có chợ. Với nhóm hàng thiết yếu thuộc ngành hàng công nghệ, đồ khô thì hiện có 15 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch được phép hoạt động để phục vụ người dân.
Đối với các hàng hóa khác, nhất là thực phẩm tươi sống thì 34 Tổ COVID cộng đồng ở địa phương sẽ hỗ trợ người dân ở tất cả 6 thôn trên địa bàn trong việc mua nhu yếu phẩm. Các tổ này phát phiếu đăng ký mua nhu yếu phẩm và lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân, sau đó sẽ đi chợ mua những hàng hóa mà người dân cần nhằm hạn chế người dân ra đường.
Chính quyền và các đoàn thể của xã Quảng Tiến phân phát rau, củ, quả để cấp cho người dân địa phương. |
Xã Quảng Tiến đã lập 28 chốt chặn tại các lối ra vào của xã nhằm kiểm soát người dân ra vào địa bàn. Những hộ gia đình có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu cũng có thể đặt hàng online qua kênh mua sắm của siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn. Tại các chốt chặn, xã bố trí lực lượng nhận và giao hàng hóa đến tận nhà cho dân. Thời gian vừa qua, xã cũng đã nhận được 7 tấn rau, củ, quả hỗ trợ của các nhà hảo tâm và tổ chức phân phát, mang xuống tận nhà cho người dân. Một số hộ khó khăn trên địa bàn cũng được hỗ trợ gạo, nước mắm, cá, rau xanh, củ, quả… nên thực phẩm bước đầu được bảo đảm.
Tại xã Ea Kpam, công tác phòng, chống dịch đang được địa phương siết chặt, nhưng việc cung ứng thực phẩm cho người dân cơ bản được bảo đảm. Ông Trần Anh Thái, Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho hay, địa phương tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân với quy định 3 ngày đi một lần theo các khung giờ nhất định và chỉ đi mua trong địa bàn xã. Chợ Ea Kpam hoạt động bảo đảm giãn cách, tiểu thương chủ yếu bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu phục vụ người dân. Đa số người dân trong xã có vườn rộng, đủ khả năng tự cấp được một số loại rau xanh, trứng, thịt gia cầm nên lượng người đến chợ không nhiều trong mấy ngày qua.
Riêng khu vực thôn 7 của xã, hiện đang phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 với 100 hộ dân. Kịp thời chăm lo, hỗ trợ cho người dân ở khu vực này, xã đã triển khai các đoàn thể ở thôn, tổ COVID cộng động nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để hỗ trợ khi cần. Mô hình “đi chợ hộ” nhanh chóng được triển khai ở địa phương. Người dân đăng ký các mặt hàng cần mua với tổ COVID cộng đồng, Tổ sẽ tiếp nhận đơn hàng, tổng hợp, đi chợ mua hàng và giao đến tận hộ dân. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm phòng chống dịch trong những ngày bị phong tỏa.
Bảo đảm nguồn cung
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Cư M’gar, nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, một số khu vực bị phong tỏa. Địa phương đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Huyện cũng tạo điều kiện để các phương tiện, doanh nghiệp vào địa bàn để cung ứng hàng hóa cho người dân, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.
Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, toàn huyện có 8 chợ truyền thống, 4 cửa hàng Bách hóa xanh, 1 siêu thị và hơn 500 cửa hàng tạp hóa được phép hoạt động nên cơ bản bảo đảm cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho người dân. Nhìn chung, đến thời điểm này, tình hình cung ứng hàng hóa tương đối dồi dào, giá cả không có biến động nhiều. Một số đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn còn thực hiện bán hàng theo combo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung đang được các đơn vị cung ứng tích cực chuẩn bị và tiếp nguồn liên tục nên người dân không lo xảy ra tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Nhân viên Siêu thi Co.opmart Cư M’gar soạn đơn hàng online chuẩn bị giao cho khách. |
Theo Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cư M’gar, do liên quan đến ca COVID-19 nên siêu thị tạm ngừng hoạt động vài ngày, đến ngày 31-8 thì mở cửa hoạt động trở lại. Giá các loại hàng hóa không tăng so với trước, thậm chí còn giảm giá ở nhiều ngành hàng để hỗ trợ khách mua sắm. Nguồn cung rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, dầu ăn, đường, nước mắm… được siêu thị bổ sung liên tục và khá phong phú, chưa có hiện tượng đứt nguồn cung. Mấy ngày nay, lượng khách đến siêu thị rất ít, chủ yếu là các đơn hàng online.
Kiểm soát viên Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra hàng hóa bày bán tại cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn huyện Cư M’gar |
Cùng với việc triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, chính quyền huyện Cư M’gar cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng bán ra; giám sát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị, hóa chất, phương tiện phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin chính xác về diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa ở địa phương để người dân không hoang mang, lo lắng và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đỗ Lan