Cẩn thận có cục máu đông trong cơ thể nếu thấy những dấu hiệu này
Cục máu đông là những khối thạch giống như máu, thường được tìm thấy ở các động mạch, hoặc tĩnh mạch trong tim, não, phổi, bụng, cánh tay và chân.
Thông thường, các cục máu đông sẽ hình thành sau chấn thương nhằm bảo vệ cơ thể khỏi mất máu quá nhiều. Tuy nhiên trong một số trường hợp những cục máu đông hình thành bên trong mạch máu mà không rõ nguyên nhân. Nếu các cục máu đông không tự tan hoặc không được điều trị có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hoặc tắc tĩnh mạch.Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn có cục máu đông và cần phải đi khám càng sớm càng tốt:
Sưng phù tay chân
Sưng phù cánh tay, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Cục máu đông hình thành sâu trong tĩnh mạch, ngăn chặn quá trình lưu thông máu ở chân hoặc tay nên máu có thể đọng lại, gây sưng tấy. Bạn hãy theo dõi nếu hiện tượng này xuất hiện đột ngột, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên chân.
Xuất hiện vùng đỏ trên da
Cục máu đông làm gián đoạn lưu thông máu, do đó có thể dẫn đến tình trạng da đổi màu. Nếu một khu vực nào đó trên tay, chân chuyển sang màu đỏ hoặc một màu khác thường, nguyên nhân có thể là do cục máu đông.
Chuột rút chân
Nhiều người có cục máu đông ở vùng chân cho biết họ cảm thấy cơn chuột rút hoặc cơn đau tương tự như khi bị chuột rút ở chân. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn đang đi bộ hoặc gập bàn chân. Nếu thường xuyên bị chuột rút, căng cơ, đặc biệt là ở gần vùng da đỏ hoặc đổi màu, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Da ấm nóng
Tại vùng da có cục máu đông có thể có sự thay đổi nhiệt độ. Đây cũng là hệ quả của sự gián đoạn lưu thông máu. Triệu chứng da ấm nóng, chuột rút chân và da đổi màu thường xuất hiện đồng thời khi có cục máu đông.
Tức ngực
Tắc mạch phổi (pulmonary embolism – PE) là một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó. Cả thuyên tắc phổi (PE) và nhồi máu cơ tim đều có các triệu chứng tương tự nhau ví dụ như tức ngực. Tuy nhiên, cơn đau do thuyên tắc phổi có xu hướng rõ ràng, đau như bị dao đâm và cảm thấy khó chịu hơn khi hít thở sâu. Trong khi đó, cơn đau do nhồi máu cơ tim thường xuất hiện đầu tiên ở vùng trên của cơ thể như vai, hàm hoặc cổ.
Khó thở
Hiện tượng tắc mạch phổi còn khiến bạn thường xuyên cảm thấy khó thở, hụt hơi, dễ mệt mỏi, thiếu năng lượng ngay cả khi làm những công việc đơn giản. Trong một số trường hợp, người bị tắc mạch phổi có thể bị tụt huyết áp đột ngột và ngất xỉu, hoặc thậm chí ho ra máu.
Đau lưng
Khi xuất hiện cục máu đông ở vùng chậu hoặc ở tĩnh mạch chủ dưới bạn có thể gặp tình trạng đau lưng. Mặc dù đây là một triệu chứng hiếm gặp của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu nhưng dạng đông máu này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời, vì cục máu đông chặn nguồn cung cấp máu đến các chi.
Tăng nhịp tim
Khi lượng oxy thấp, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt này. Theo các chuyên gia, cảm thấy tim đập nhanh và khó thở là do cơ thể bạn đang phát ra tín hiệu khẩn cấp cảnh báo có PE trong phổi.
Ho không rõ nguyên nhân
Ho là hiện tượng rất phổ biến nhưng nếu không rõ nguyên nhân bạn nên lưu ý. Khi đi kèm với hiện tượng thở gấp, tăng nhịp tim, tức ngực, chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có tình trạng huyết khối. Cục máu đông thường gây ho khan nhưng trong một số trường hợp có thể ho ra chất nhầy hoặc máu.
Vã mồ hôi
Khi đi kèm với các triệu chứng khác, vã mồ hôi có thể là một trong những triệu chứng huyết khối. Trong trường hợp này cục máu đông sẽ nằm ở tim hoặc phổi. Đây là dạng huyết khối vô cùng nguy hiểm, cần được can thiệp để xử lý sớm nhất có thể.
Minh Hoa (t/h)