Bao lâu sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì có thể mang thai?
Sáng 10/8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Quyết định 3802 ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Tất cả người trên 18 tuổi, khoẻ mạnh đủ các điều kiện tiêm, đều được tiêm vắc-xin. Đáng chú ý, theo hướng dẫn mới, Bộ Y tế đã cho đối tượng mang thai trên 13 tuần có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng đây là nhóm đối tượng thận trọng khi tiêm vắc-xin.
Liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và khả năng sinh sản, một số chị em còn băn khoăn liệu tiêm vắc-xin có ảnh hưởng đến kế hoạch mang thai không hay trong trường hợp sau khi tiêm vắc-xin mới phát hiện có thai thì thai nhi có bị ảnh hưởng không?
Về thắc mắc này, theo TS.BS sản khoa Nguyễn Hữu Trung, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay tiêm vắc-xin xong mang thai cũng không có gì đáng lo vì các nghiên cứu cho thấy vắc-xin không ảnh hưởng tới thai nhi.
Mặt khác, khi nhiễm Covid-19 người mẹ mang thai bị ảnh hưởng chứ thai nhi không bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu tiêm vắc-xin xong mang thai cũng không nên lo lắng, vẫn theo dõi thai như bình thường.
Bác sĩ Trung cho biết, khác với sởi, quai bị, rubella và các bệnh truyền nhiễm khác khi mẹ nhiễm sẽ ảnh hưởng tới thai nhi như dị tật… thì Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp lên bà mẹ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bà mẹ mang thai nếu mắc thêm Covid-19 sẽ tăng tỉ lệ tiền sản giật, tăng tỉ lệ sẩy thai, sinh non, tăng tỉ lệ thai lưu, tăng tỉ lệ nhiễm trùng, tăng tỉ lệ phải nhập ICU, thở máy, tăng tỉ lệ tử vong.
Do đó, trước khi mang thai hay trong lúc mang thai, được tiêm vắc-xin thì các chị em hoàn toàn yên tâm.
ThS. BS Vũ Minh Điền, Trưởng phòng Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các thông tin về vắc-xin Covid-19 ảnh hưởng tới thai nhi hay không cho đến nay vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cho phép sử dụng vắc- xin Covid-19 trên phụ nữ có thai, cho con bú.
Vì thế, bác sĩ Điền cho rằng phụ nữ chuẩn bị cos thai càng nên tiêm vắc-xin Covid-19 nếu có cơ hội. Sau khi tiêm xong mà có thai cũng không ảnh hưởng gì. Khi tiêm vắc- xin sau đó có thai, bà bầu sẽ được bảo vệ tốt hơn. Bác sĩ Điền cho rằng được tiêm vắc- xin không nên chần chừ và nếu có kế hoạch có thai càng nên tiêm, giống như tiêm phòng vắc-xin thuỷ đậu, sởi – quai bị – rubella.
Sau tiêm vắc- xin có thể chờ thêm 1 tháng để thụ thai nếu người tiêm có kế hoạch cụ thể từ trước.
Chuyên gia của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết, các vắc- xin Covid-19 hiện đang sử dụng không chứa vi- rút sống, không thể lây nhiễm SARS-CoV-2 vào bào thai và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do vậy, nếu một phụ nữ có kế hoạch mang thai thì việc tiêm vắc- xin Covid-19 không ảnh hưởng đến kế hoạch này. Nếu sau tiêm, bạn phát hiện mình có thai, thì việc tiêm vắc- xin trước đó không phải là lý do để bạn phải đình thai.
Ngoài ra, vắc-xin mRNA không tương tác với DNA của người hay gây ra các thay đổi gien, vì mRNA không xâm nhập vào nhân tế bào – chính là nơi lưu giữ ADN.
Trước một số ít ý kiến băn khoăn về nguy cơ hiếm muộn với người được tiêm vắc-xin Covid-19, PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định: “Hoàn toàn không có bằng chứng khoa học về việc vắc- xin can thiệp vào khả năng sinh sản ở nam giới hoặc ở phụ nữ”.
PGS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, những gì vắc-xin làm là vào cơ thể kích thích phản ứng miễn dịch để chống lại protein hoặc kháng nguyên của tác nhân gây bệnh cụ thể đó (vi- rút hoặc vi khuẩn, độc tố). Trong trường hợp này, vắc- xin Covid-19 kích thích cả phản ứng kháng thể và phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2, hoàn toàn không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan sinh sản ở cả nam và nữ. Do đó, vắc -xin Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người được tiêm vắc- xin này.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Infonet)